Mộng thịt là bệnh lý về mắt, có thể bao phủ một phần tròng trắng của mắt. Với trường hợp nghiêm trọng, mộng thịt có thể gây che phủ đồng tử của người bệnh và gây ra các vấn đề về thị lực.
Mộng thịt là bệnh gì?
Mộng thịt có tên tiếng Anh là pterygium hay còn có tên gọi là mộng mắt, là một trong những bệnh lý về mắt mà trong đó kết mạc phát triển, hình thành một mô mỏng và rõ ràng bao phủ một phần tròng trắng của mắt. Mộng mắt ở khóe mắt có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt.
Bản chất mộng thịt là một khối u hình tam giác của mô thịt trên phần màu trắng của mắt, kéo dài qua giác mạc. Khối u này có thể vẫn còn nhỏ hoặc phát triển đủ lớn để gây ảnh hưởng đến thị lực. Mộng thịt thường gặp nhất là loại phát triển từ một u mỡ kết mạc.
Mặc dù bề ngoài mộng thịt trông khá đáng sợ, nhưng đó không phải là ung thư. Sự tăng trưởng của mộng thịt có thể lan truyền chậm trong cuộc đời hoặc dừng lại sau một thời điểm nhất định. Với trường hợp nghiêm trọng, mộng thịt có thể gây che phủ đồng tử của người bệnh và gây ra các vấn đề về thị lực.
Mặc dù nó không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng mộng thịt có thể gây ra các triệu chứng khó chịu. Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu như luôn có một vật gì đó trong mắt. Mắt có thể bị đỏ và bị kích thích, cần được can thiệp y tế hoặc phẫu thuật. Bên cạnh đó, mộng thịt cũng gây ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ, khiến người bệnh cảm thấy tự ti vì mắt của mình lúc nào cũng có màu đỏ.
Nguyên nhân gây bệnh mộng thịt là do đâu?
Theo bác sĩ Cao đẳng Y Dược Sài Gòn nguyên nhân gây bệnh mộng thịt hiện nay vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia cho rằng, bệnh có thể xảy ra khi người bệnh tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) có thể dẫn đến những sự tăng trưởng của mộng thịt. Bệnh phổ biến ở những người sống ở vùng khí hậu ấm áp và dành nhiều thời gian hoạt động và làm việc ngoài trời trong môi trường nắng hoặc gió. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ có khả năng gây bệnh mộng thịt như: phấn hoa; cát; hút thuốc lá; gió
Triệu chứng thường gặp của bệnh mộng thịt là gì?
Nóng mắt; cảm thấy đau; ngứa; luôn cảm thấy có dị vật trong mắt ; mắt có màu đỏ
Nếu màng của mộng thịt phát triển đi vào giác mạc (vùng đồng tử của mắt), nó có thể làm thay đổi hình dạng và gây ảnh hưởng đến thị lực như mờ mắt hoặc nhìn đôi.
Trước khi bị mộng thịt, người bệnh có thể bị Mộng mỡ mắt (tên tiếng Anh là pinguecula), là một khối nhỏ có màu hơi vàng nhạt nằm ở gần vùng rìa kết giác mạc trong vùng khe mi. Đôi khi khối này hơi sưng đỏ một hay có 1 – 2 tia máu chạy đến. Mộng mỡ không gây nguy hiểm, không gây kích ứng, không ảnh hưởng chức năng hoạt động của mắt và cũng không tăng trưởng về kích thước. Thông thường, Mộng mỡ mắt có thể gây ảnh hưởng đến bề mặt của củng mạc gần mũi hơn, nhưng chúng cũng có thể hình thành trên kết mạc góc ngoài (gần tại). Thông thường, mộng mỡ mắt không cần can thiệp điều trị, khi tình trạng này gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc đeo kính áp tròng, người bệnh có thể được xem xét để loại bỏ.
Phương pháp nào được áp dụng để điều trị bệnh mộng thịt?
Mộng thịt thường không cần can thiệp điều trị cho đến khi triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Khi mộng thịt bị đỏ và bị kích thích, có thể sử dụng các loại thuốc giúp làm giảm viêm như thuốc nhỏ mắt bôi trơn, thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid loại nhẹ.
Khi mộng thịt trở nên đủ lớn, gây ảnh hưởng đến thị lực hoặc khiến người bệnh khó chịu kéo dài, bác sĩ nhãn khoa có thể cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ bằng thủ thuật không cần nằm viện. Ngoài ra, mộng thịt đôi khi cũng được loại bỏ vì lý do thẩm mỹ.
Đối với mộng thịt nhẹ, trước khi phẫu thuật có thể sử dụng thuốc tê cục bộ để gây tê bề mặt của mắt. Mí mắt sẽ được giữ mở trong khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt. Tùy thuộc vào loại phẫu thuật được thực hiện mà thời gian phẫu thuật thường kéo dài không quá nửa giờ. Sau khi làm thủ thuật, người bệnh có thể sẽ cần phải đeo một miếng gạt che mắt trong vòng từ một hoặc hai ngày để bảo vệ mắt. Người bệnh có thể trở lại làm việc hoặc hoạt động bình thường ngay ngày hôm sau.
Y sĩ đa khoa cho biết mặc dù mộng thịt đã được loại bỏ nhưng có thể gây loạn thị hoặc làm bệnh nặng thêm ở những người đã có tật khúc xạ này.
Sau khi mộng thịt được loại bỏ, có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa steroid trong vài tuần để giảm sưng và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Mộng thịt có thể tái phát dù đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn,. Trong thực tế, tỷ lệ tái phát khá cao từ 30-80% và nguy cơ tái phát thường cao hơn ở những người dưới 40 tuổi. Để ngăn ngừa khả năng tái phát sau phẫu thuật, bác sĩ nhãn khoa có thể thực hiện một phương pháp gọi là ghép kết mạc tự thân, có tỷ lệ tái phát thấp để khâu hoặc ghép một mảnh mô bề mặt mắt vào khu vực bị ảnh hưởng. Các loại thuốc ngăn chặn sự phát triển mô có thể được chỉ định để giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.