Điều trị bệnh viêm cân gan chân bằng những phương pháp nào?

Viêm cân gan chân là một bệnh lý rất phổ biến hiện nay, thường gặp ở nam giới trong độ tuổi trung niên, vận động viên và những người lao động nặng nhọc. Hiện nay có nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị bệnh

Viêm cân gan chân là bệnh gì?

Viêm cân gan chân hay còn được gọi là viêm cân gan bàn chân, là tình trạng cân bàn chân bị viêm gây đau nhiều ở phần gót gân và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Bác sĩ Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cho biết viêm cân gan chân là bệnh lý rất phổ biến hiện nay, thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, vận động viên và những người lao động nặng nhọc. Theo thống kê, các trường hợp bệnh nhân bị viêm cân gan chân có gai xương gót chân kèm theo chiếm đến 70%.

Cân gan chân là một gân cơ đàn hồi dày chắc, được cấu tạo từ các sợi collagen trải dài từ xương gót chân đến chỏm của các xương bàn chân gần ngón chân. Cân gan chân là thành phần cấu thành nên vòm cong sinh lý gan bàn chân, từ đó làm giảm đi áp lực mà bàn chân phải chịu, giúp việc đi lại được dễ dàng hơn và giúp bảo vệ các khớp xương bàn chân. Bất kỳ nguyên nhân gì gây tổn thương cân gan chân đều dẫn đến tình trạng viêm cân gan bàn chân.

Nguyên nhân gây bệnh viêm cân gan chân

Nguyên nhân gây viêm cân gan chân bao gồm những tác nhân gây chấn thương lên cơ gan bàn chân, khiến gân cơ bàn chân bị kéo căng, mất tính đàn hồi, khả năng chịu lực của gân cơ gan bàn chân bị suy giảm. Bên cạnh đó, áp lực của cơ thể do đi lại nhiều, đứng lâu hoặc sử dụng các loại giày dép có đế quá cứng liên tục trong một thời gian dài cũng là nguyên nhân gây viêm cân gan chân.

Triệu chứng bệnh viêm cân gan chân

Đau: là triệu chứng điển hình của bệnh viêm cân gan bàn chân, bệnh nhân có thể bị đau buốt hay đau âm ỉ, đau nhiều ở phần gót chân. Triệu chứng đau thường xuất hiện vào lúc sáng sớm do trong suốt một đêm bàn chân giữ ở tư thế gấp về phía gan bàn chân, làm cân gan chân co ngắn lại. Sau khi ngủ dậy, bước chân đầu tiên xuống nền khiến cân gan chân kéo căng ra nên mức độ đau sẽ tăng lên. Ở các bước đi tiếp theo, người bệnh bớt đau hơn cho đến khi không còn cảm thấy đau nữa. Tuy nhiên cảm giác đau có thể tái lại trong ngày khi người bệnh đi lại nhiều hoặc phải đứng quá lâu. Cảm giác đau có thể tái phát nhiều lần, nếu kéo dài có thể xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, đau trải dài gần hết lòng bàn chân.

Gan bàn chân bị sưng và bầm tím.

Điều trị bệnh viêm cân gan chân

Y sĩ đa khoa cho biết mục tiêu điều trị viêm cân gan chân là làm giảm các yếu tố nguy cơ và giảm nhẹ triệu chứng đau của bệnh. Thời gian điều trị bệnh kéo dài nên người bệnh cần kiên nhẫn và nắm các nguyên tắc chung như sau:

  • Cho đôi chân nghỉ ngơi, không đứng quá lâu hay vận động liên tục trong một thời gian dài, cần xen kẽ các khoảng nghỉ, thay đổi tư thế.
  • Ngâm chân với nước ấm trước khi đi ngủ giúp thư giãn cân gan chân và có được một giấc ngủ ngon.
  • Trước khi xuống giường có thể xoa bóp nhẹ nhàng bàn chân, giúp làm giãn cân gan chân, giảm cảm giác đau khi đặt chân xuống nền.
  • Phương pháp hiệu quả để điều trị bệnh là tập kéo giãn cân gan chân. Các bài tập thực hiện kéo giãn thường xuyên cho đến khi bệnh thuyên giảm dần.
  • Lựa chọn các loại giày dép đế mềm, vừa chân, đế giày dép chỉ nên cao khoảng từ 2-3cm, có thể sử dụng thêm các miếng lót giày nhằm tránh gây kích thích vùng gan bàn chân, nên đi giày dép trên nền cứng thay vì chân không.
  • Chườm lạnh ở gót chân để giảm đau
  • Sử dụng thanh nẹp ban đêm
  • Sử dụng thuốc giảm đau thông thường theo chỉ định của bác sĩ như acetaminophen, và các thuốc chống viêm như corticoid nhằm giảm nhẹ triệu chứng đau. Tiêm trực tiếp corticoid vào gân bàn chân cũng là một biện pháp giảm đau hiệu quả.
  • Châm cứu nhằm kích thích dây thần kinh qua da
  • Bó bột cũng giúp giảm đau nếu cơn đau kéo dài.
  • Phẫu thuật trong trường hợp cơn đau tiếp tục kéo dài và không thuyên giảm trên 6 tháng, giúp cân gan chân không còn bị kéo căng. Phẫu thuật đơn giản là cắt một bên cân gan chân, và loại bỏ gai xương gót nếu có nên ít biến chứng, có thể thực hiện mổ mở hoặc nội soi.

Một số bài tập giúp hỗ trợ điều trị bệnh viêm cân gan bàn chân hiệu quả, giúp kéo giãn cân gan chân:

Bài tập số 1: Nghiêng người về phía trước, chống hai bàn tay vào tường, đầu gối chân đau duỗi thẳng và bàn chân chạm mặt đất, đầu gối chân còn lại đặt ở tư thế gấp. Giữ nguyên tư thế này trong 10 giây rồi đứng thẳng người lên. Thực hiện 20 lần cho mỗi bên.

Bài tập số 2: Nghiêng người về phía trước, hai tay nắm vào một thanh ngang, giữ người ở tư thế một chân đặt trước một chân đặt sau. Bệnh nhân ngồi xổm xuống, lưng thẳng và giữ cho gót chân chạm đất càng nhiều càng tốt. Giữ 10 giây rồi đứng thẳng người lên, thực hiện lặp lại 20 lần.

Bài tập số 3: Người bệnh ở tư thế ngồi, gác chân đau lên chân không đau. Dùng tay ôm ngang qua các ngón chân của bàn chân đau và kéo về phía cẳng chân như đang thực hiện tư thế gấp bàn chân, cho đến khi cảm thấy căng ở lòng bàn chân. Thực hiện 20 lần. Kiên trì thực hiện các bài tập trong khoảng 3 lần/ ngày và liên tục trong 8 tuần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *