Phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng chuẩn Bộ Y Tế
Phác đồ điều trị bệnh tay-chân-miệng được ban hành kèm theo Quyết định số 1732/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế. Y sĩ đa khoa/ Bác sĩ chuyên khoa cần thực hiện theo hướng dẫn để điều trị bệnh tay chân miệng đạt hiệu quả.
- Chuyên gia y tế chia sẻ dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ
- Phương pháp điều trị cho người mắc hội chứng thắt lưng hông
- Sử dụng vitamin B1 điều trị viêm đa dây thần kinh
Bệnh tay chân miệng là gì?
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế gửi công văn cho Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Theo tin tức y tế thì, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện do tay chân miệng, không có tử vong – số liệu được cập nhật từ Bộ Y Tế – cục Y tế dự phòng.
Giảng viên Cao đẳng Y Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur xin được trích dẫn quyết định số 1732 và chia sẻ đến các Y sĩ đa khoa, y sĩ chuyên khoa về hướng dẫn điều trị dịch bệnh tay chân miệng 2020 đang diễn biến phức tạp như sau:
1. Nguyên tắc điều trị:
– Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu tay chân miệng, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm).
– Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng.
– Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.
2. Điều trị cụ thể:
2.1. Độ 1: Điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở.
– Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.
– Hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ.
– Vệ sinh răng miệng.
– Nghỉ ngơi, tránh kích thích.
– Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
– Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu tay chân miệng từ độ 2a trở lên như:
+ Sốt cao ≥ 39 độ C.
+ Thở nhanh, khó thở.
+ Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều.
+ Đi loạng choạng.
+ Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
+ Co giật, hôn mê.
2.2. Độ 2: Điều trị nội trú tại bệnh viện
2.2.1. Tay chân miệng Độ 2a:
– Điều trị như độ 1. Trường hợp trẻ sốt cao không đáp ứng tốt với paracetamol có thể phối hợp với ibuprofen 10-15 mg/kg/lần lập lại mỗi 6-8 giờ nếu cần (dùng xen kẽ với các lần sử dụng paracetamol).
– Thuốc: Phenobarbital 5 – 7 mg/kg/ngày, uống.
– Theo dõi sát để phát hiện dấu hiệu chuyển độ.
2.2.2. Tay chân miệng độ 2b:
– Nằm đầu cao 30°.
– Thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút.
– Hạ sốt tích cực nếu trẻ có sốt.
– Thuốc:
+ Phenobarbital 10 – 20 mg/kg truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau 8-12 giờ khi cần.
+ Immunoglobulin:
√ Nhóm 2: 1g/kg/ngày truyền tĩnh mạch chậm trong 6-8 giờ. Sau 24 giờ nếu còn dấu hiệu độ 2b: Dùng liều thứ 2
√ Nhóm 1: Không chỉ định Immunoglobulin thường qui. Nếu triệu chứng không giảm sau 6 giờ điều trị bằng Phenobarbital thì cần chỉ định Immunoglobulin. Sau 24 giờ đánh giá lại để quyết định liều thứ 2 như nhóm 2.
– Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở, tri giác, ran phổi, mạch mỗi 1- 3 giờ trong 6 giờ đầu, sau đó theo chu kỳ 4-5 giờ.
– Đo độ bão hòa oxy SpO2 và theo dõi mạch liên tục (nếu có máy).
Bệnh tay chân miệng cấp độ nặng
2.3. Độ 3: Điều trị nội trú tại đơn vị hồi sức tích cực
– Thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút. Đặt nội khí quản giúp thở sớm khi thất bại với thở oxy.
– Chống phù não: nằm đầu cao 30°, hạn chế dịch (tổng dịch bằng 1/2-3/4 nhu cầu bình thường), thở máy tăng thông khí giữ PaCO2 từ 25-35 mmHg và duy trì PaO2 từ 90-100 mmHg.
– Phenobarbital 10 – 20 mg/kg truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau 8-12 giờ khi cần.
– Immunoglobulin (Gammaglobulin): 1g/kg/ngày truyền tĩnh mạch chậm trong 6-8 giờ, dùng trong 2 ngày liên tục
– Dobutamin được chỉ định khi suy tim mạch > 170 lần/phút, liều khởi đầu 5µg/kg/phút truyền tĩnh mạch, tăng dần 1-2,5µg/kg/phút mỗi 15 phút cho đến khi có cải thiện lâm sàng; liều tối đa 20µg/kg/phút.
– Milrinone truyền tĩnh mạch 0,4 µg/kg/phút chỉ dùng khi HA cao, trong 24-72 giờ.
– Điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, toan kiềm, điều trị hạ đường huyết.
– Hạ sốt tích cực.
– Điều trị co giật nếu có: Midazolam 0,15 mg/kg/lần hoặc Diazepam 0,2-0,3 mg/kg truyền tĩnh mạch chậm, lập lại sau 10 phút nếu còn co giật (tối đa 3 lần).
– Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác, ran phổi, SpO2, mỗi 1- 2 giờ. Nếu có điều kiện nên theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn.
2.4. Độ 4: Điều trị nội trú tại các đơn vị hồi sức tích cực
– Đặt Nội khí quản thở máy: Tăng thông khí giữ PaCO2 từ 30-35 mmHg và duy trì PaO2 từ 90-100 mmHg.
– Chống sốc: Sốc do viêm cơ tim hoặc tổn thương trung tâm vận mạch ở thân não.
+ Nếu không có dấu hiệu lâm sàng của phù phổi hoặc suy tim: Truyền dịch Natri clorua 0,9% hoặc Ringer lactat: 5 ml/kg/15 phút, điều chỉnh tốc độ theo hướng dẫn CVP và đáp ứng lâm sàng. Trường hợp không có CVP cần theo dõi sát dấu hiệu quá tải, phù phổi cấp.
+ Đo và theo dõi áp lực tĩnh mạch trung ương.
+ Dobutamin liều khởi đầu 5µg/kg/phút, tăng dần 2- 3µg/kg/phút mỗi 15 phút cho đến khi có hiệu quả, liều tối đa 20 µg/kg/phút.
Furosemide 1-2 mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch
– Phù phổi cấp:
+ Ngừng ngay dịch truyền nếu đang truyền dịch.
+ Dùng Dobutamin liều 5-20 µg/kg/phút.
+ Furosemide 1-2 mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch chỉ định khi quá tải dịch.
– Điều chỉnh rối loạn kiềm toan, điện giải, hạ đường huyết và chống phù não:
– Lọc máu liên tục hay ECMO (nếu có điều kiện).
– Immunoglobulin: Chỉ định khi HA trung bình ≥ 50mmHg
– Kháng sinh: Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm hoặc chưa loại trừ các bệnh nhiễm khuẩn nặng khác
– Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác, ran phổi, SpO2, nước tiểu mỗi 30 phút trong 6 giờ đầu, sau đó điều chỉnh theo đáp ứng lâm sàng; Áp lực tĩnh mạch trung tâm mỗi giờ, nếu có điều kiện nên theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn.
Trên đây là quyết định của Bộ Y Tế, Y sĩ đa khoa, người điều trị tuyệt đối không được tự ý thay đổi cũng như thay đổi thứ tự điều trị. Phác đồ trên chỉ dành cho người có chuyên môn Y học lâm sàng truyền nhiễm, không áp dụng với người đọc mang tính tham khảo! Không tự ý áp dụng phác đồ trị tay chân miệng!
Nguồn: BỘ Y TẾ (2554/QĐ-BYT) được Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tổng hợp chia sẻ trong dịch tay chân miệng năm 2020