Áp xe phổi là bệnh lý nhiễm trùng tại phổi, bệnh thường gặp nhất là ở lứa tuổi trung niên. Cần nắm rõ được những nguyên nhân gây bệnh để có thể đưa ra những biện pháp điều trị hiệu quả kịp thời
Áp xe phổi là bệnh gì?
Áp xe phổi là bệnh lý nhiễm trùng tại phổi, khi nhu mô phổi bị hoại tử do viêm nhiễm cấp tính từ các bệnh lý như viêm phổi, màng phổi, hình thành dịch mủ và các ổ áp xe chứa mủ, xác bạch cầu chết, vi sinh vật gây bệnh. Vi khuẩn được xác định là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh áp xe phổi, do ký sinh trùng gây ra thì hiếm gặp hơn.
Bác sĩ Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cho biết áp xe phổi hiện nay được chia thành 2 loại:
- Áp xe phổi nguyên phát: là sự hình thành các áp xe chứa mủ trên một phổi lành, chưa có tổn thương hay bệnh lý trước đây.
- Áp xe phổi thứ phát: các ổ nung mủ được hình thành từ một bệnh lý ở phổi, gây nên các tổn thương cũ như hang lao, giãn phế quản, nang phổi.
Bệnh áp xe phổi chiếm tỉ lệ 4,8% trong tổng số tất cả các bệnh phổi. Ai cũng có nguy cơ bị mắc bệnh nhưng thường gặp nhất là ở lứa tuổi trung niên. Ngày nay, cùng với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, áp xe phổi được phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác hơn.
Áp xe phổi nếu không được can thiệp và điều trị đúng cách đều có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Ho ra máu: do tình trạng vỡ mạch máu, khi ổ áp xe ở gần rốn phổi thì càng đặc biệt nghiêm trọng, cần được cấp cứu kịp thời nếu không có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Tràn dịch màng phổi: xảy ra khi ổ áp xe bị vỡ thông với màng phổi.
- Nhiễm trùng máu: ổ áp xe vỡ tạo điều kiện cho vi khuẩn trong ổ áp xe xâm nhập vào máu, gây sốc nhiễm trùng, trường hợp nặng có thể gây tử vong.
- Áp xe phổi nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm như xơ phổi, giãn phế quản, áp xe não…
Nguyên nhân gây bệnh áp xe phổi là do đâu?
Nhiễm trùng: đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây áp xe phổi. Vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng được biết đến là yếu tố gây viêm nhiễm hoại tử nhu mô phổi. Tác nhân gây bệnh thường xâm nhập theo đường khí – phế quản để vào phổi.
Vi khuẩn kỵ khí không đòi hỏi môi trường nhiều oxy để sinh sôi phát triển nên là nhóm vi khuẩn phổ biến nhất, chiếm khoảng 89% trường hợp, thường có nguồn gốc từ vùng răng miệng, nhận biết bởi dịch mủ đặc trưng có mùi hôi thối. Vi khuẩn kỵ khí có thể gây nên nhiều áp xe phổi lan tỏa, và có thể kết hợp với các loại vi khuẩn khác để gây bệnh như liên cầu, phế cầu… Một số loại vi khuẩn kỵ khí phổ biến là Bacteroide melaniogenicus, Bacteroide fragilis Peptococus, Peptostreptococcus, Fusobaterium nucleotum,…
Tụ cầu vàng: thường gặp ở trẻ nhỏ, gây ra bệnh cảnh lâm sàng khá nặng nề, tổn thương nhu mô phổi và cả màng phổi, gây suy hô hấp cấp tính và nhiễm trùng nhiễm độc, có nguy cơ tử vong cao.
Một số vi khuẩn khác cũng có nguy cơ gây bệnh áp xe phổi như phế cầu, liên cầu tan máu nhóm A, các vi khuẩn Gram (-) như Pseudomonas aeruginosa, Legionella pneumophila, Hemophillus influenzae.
Ký sinh trùng: phổ biến nhất là amip thứ phát sau áp xe gan, ruột.
Nấm: Mucoraceae, Aspergillus spp gây bệnh áp xe phổi thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, nghiện rượu hoặc suy giảm hệ miễn dịch do nhiều nguyên nhân khác.
Dị vật: các loại thức ăn hay nước uống, các chất nôn hoặc nước bọt được hít vào phổi gây viêm phổi, có thể gây áp xe phổi sau 7-14 ngày.
Bệnh lý nền tại phổi: các bệnh lý như u phổi gây tắc nghẽn, ung thư phổi gây bội nhiễm hay hoại tử, nhồi máu phổi, giãn phế quản, lao phổi có hang, kén phổi bẩm sinh, chấn thương lồng ngực hở,… là các yếu tố nguy cơ gây áp xe phổi cao, áp xe phổi có thể khởi phát cùng lúc hoặc chậm hơn với triệu chứng của bệnh lý nền.
Triệu chứng của bệnh áp xe phổi?
Áp xe phổi thường phát triển trong vòng nhiều tuần đến nhiều, bệnh nhân có các biểu hiện như: sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi, ho có mùi hôi và nước bọt có vị khó chịu. Bệnh nhân cảm giác mệt mỏi, không có sức, chán ăn và cân nặng giảm nhanh.
Ổ mủ kín: ho khan, sốt cao đến 39-40 độ C, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đau ngực ở vị trí có tổn thương, khó thở.
Ộc mủ: triệu chứng ho và đau ngực nghiêm trọng hơn. Theo y sĩ đa khoa, khi ho có thể ộc ra nhiều mủ đặc quánh, màu sôcôla thường do amip, mủ hôi thối (do vi khuẩn kỵ khí), mủ màu xanh (do liên cầu). Các triệu chứng toàn thân như: mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi. Sau khi ho ộc ra được mủ, cảm giác dễ chịu hơn, người bệnh ăn uống được.
Ổ mủ mở thông với phế quản: người Bệnh ho nhiều hơn, nhất là khi thay đổi tư thế, khạc mủ ra ít hơn.
Có những phương pháp phòng ngừa và hạn chế diễn tiến bệnh áp xe phổi
Giữ gìn vệ sinh răng miệng, mũi, họng sạch sẽ.
Tuân thủ tốt hướng dẫn của bác sĩ, điều trị dứt điểm các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng.
Phòng ngừa dị vật rơi vào cổ
Cẩn trọng khi cho bệnh nhân ăn thông qua ống sonde dạ dày
Có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả chứa nhiều vitamin C.
Bác sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn khuyến cáo ngay khi nhận thấy triệu chứng bất thường như đau ngực, ho, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.