Gãy xương hở
Ổ gãy xương hở là một vùng có nhiều tổ chức chết (như cơ, xương, da, gân) và nhiều dị vật, máu tụ. Bởi vậy hình thành một vùng đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn.
Bài viết được tham vấn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú – Giảng viên Cao đẳng Dược TP.HCM, Trường CĐ Y Dược Pasteur.
A – Giải phẫu bệnh
- Tổn thương da
Da tổn thương nặng hay nhẹ tùy cơ chế chấn thương. Có thể vết thương rách da nhỏ (gãy hở độ 1), cần lưu ý nhiều trường hợp vết thương da tuy nhỏ, nhưng phía dưới tổ chức dập nát nhiều. Có thể bong lóc da diện rộng, lột da kiểu “lột bít-tất”. Những trường hợp này, da nguy cơ hoại tử do mất mạch nuôi.
- Cân, cơ
Đụng giập, đứt cơ, thậm chí mất rộng cân cơ, lộ xương. Tổn thương cơ bao giờ cũng nặng hơn da, nên rất hay bỏ sót gãy xương hở nặng do nhầm là độ 1. Trước khi xương đâm thủng da bằng một vết thương nhỏ, thì nó đã làm đứt nhiều cơ, đụng giập phần mềm bên cạnh (gãy hở trong chọc ra).
- Mạch, thần kinh
Dập nát, đứt một phần hoặc toàn bộ. Những trường hợp này được xếp loại gãy xương hở độ 3c.
- Xương
Gãy xương hở do cơ chế chấn thương trực tiếp thì xương gãy phức tạp (nhiều tầng, nhiều đoạn), nếu do cơ chế chấn thương gián tiếp thì xương gãy đơn giản (gãy đôi ngang, gãy chéo).
Tóm lại: Theo Y học Lâm sàng, tại ổ gãy xương hở là một vùng có nhiều tổ chức chết(của cơ, của xương, của da, gân), có nhiều dị vật (quần áo, bùn đất, mảnh kim loại), có nhiều máu tụ, tạo thành một vùng đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn.
B – Sinh lý bệnh
- Nhiễm trùng vết thương
Tất cả mọi vết thương đều có sự hiện diện của vi khuẩn, song nó phụ thuộc vào thề trạng bệnh nhân, mức độ tổn thương và sự can thiệp kịp thời của thầy thuốc mà có gây nên nhiễm khuẩn vết thương hay không. Bệnh nhân già yếu, sức đề kháng kém (phụ nữ sau đẻ) hoặc bị bệnh mạn tính (suy gan, suy thận) dễ bị nhiễm trùng vết thương.
Nếu gãy xương hở được xử trí tốt, sớm trước 6 giờ thì góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng vết thương. Nhiễm trùng vết thương còn phụ thuộc vào sự ô nhiễm của môi trường và sự ô nhiễm tại vết thương: dập nát phần mềm nặng hay nhẹ; nhiều hay ít vi khuẩn; loại vi khuẩn và độc tố mạnh hay yếu.
- Diễn biến nhiễm trùng vết thương trong gảy xương hở (theo Friedrich)
- Giai đoạn chưa nhiễm khuẩn (giai đoạn ủ bệnh): sau tai nạn dưới 6h. Nếu bệnh nhân đến sớm trong giai đoạn này, gãy xương hở nhẹ, thể trạng bệnh nhân tốt, thầy thuốc can thiệp kịp thời thì khả năng nhiễm trùng vết thương bị hạn chế.
- Giai đoạn tiềm tàng: sau tai nạn 6 – 12 h, nếu vết thương không được xử trí, vi khuẩn sẽ phát triển từ tổ chức dập nát, tổ chức hoại tử, rồi xâm lấn vào các tổ chức sống, gây nên phản ứng viêm.
- Giai đoạn nhiễm khuẩn: sau tai nạn 12h. Từ nhiễm khuẩn tại chỗ vết thương, có thể lan rộng và gây nên nhiễm khuẩn máu. Đặc biệt nguy hiểm là nhiễm trùng yếm khí.
- Liền vết thương, liền xương trong gãy xương hở
Liền vết thương rất quan trọng vì nó sẽ che phủ, bảo vệ xương tốt, loại trừ được nhiễm khuẩn. Mặt khác, liền vết thương sớm còn tạo điều kiện xử trí xương cho giai đoạn sau (nếu cần).
Một vết thương liền tốt khi không còn dị vật, không còn nhiễm khuẩn, không còn chèn ép và thiếu máu nuôi dưỡng (vì vậy nguyên tắc điều trị gãy xương hở là cắt lọc, rạch rộng, để hở).
Liền xương tốt khi vết thương không nhiễm trùng, xương bất động vững và không bị mất đoạn xương (mất xương do chấn thương và mất xương do phẫu thuật viên lấy bỏ).
- Sốc chấn thương
Do mất máu, do đau, do độc tố của tổ chức dập nát. Gãy xương hở càng nặng, ở xương lớn thì càng dễ bị sốc.
Trung bình một gãy xương hở cẳng chân mất 500ml — 1000ml máu. Đùi mất 1000ml – 1500ml máu. Bất động chi tốt là phương pháp phòng và chống sốc hiệu quả.
Loại gãy | Lượng máu mất |
Gãy hở cẳng chân | 500 – 1000ml |
Gãy hở đùi | 1000 – 1500ml |
Gãy hở xương chậu | 1000 – 2500ml |
Nguồn: https://ysidakhoa.net