Phác đồ điều trị bệnh thủy đậu năm 2020

Phác đồ điều trị bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus Varicella Zoster (VZV) gây nên. Biểu hiện lâm sàng là sốt, phát ban dạng nốt phỏng ở da và niêm mạc. Khi gặp ca bệnh thủy đậu, y sĩ đa khoa cần làm gì?

Hình ảnh nốt thủy đậu

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ đến bạn đọc phác đồ điều trị bệnh thủy đậu từ tài liệu y khoa “Bệnh học truyền nhiễm ”, Nhà xuất bản Y học , 2002. Như sau:

Điều trị bệnh thủy đậu cần tuân thủ phác đồ điều trị

  • Nên cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi bệnh.
  • Sử dụng thuốc sát trùng ngoài da bôi tại chỗ: xanh methylen.
  • Sử dụng thuốc kháng histamin chống ngứa.
  • Điều trị Acyclovir: thuốc làm giảm thời gian bệnh, giảm triệu chứng cũng như biến chứng, hiệu quả cao nhất khi sử dụng 24 giờ trước khi nổi bóng nước.

+ Được chỉ định cho một số tình huống thủy đậu có nguy cơ bị biến chứng.

+ Liều lượng: viên 800mg, sử dụng 5 lần/ngày trong vòng 5 -7 ngày. Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi: 20mg/kg x 6 giờ/lần. Ở người bị suy giảm miễn dịch và có biến chứng thường sử dụng đường tiêm tĩnh mạch 10-12,5mg/kg x 8 giờ/lần trong 7 ngày.

Có thể sử dụng Valacyclovir (tiền chất của Acyclovir) liều 1g/lần x 3 lần/ngày trong 7-10 ngày, và Famciclovir 500mg/lần x 3 lần/ngày trong 7-10 ngày.

Trong tình huống kháng với Acyclovir cho Foscarnet 40mg/kg/lần x 3 lần/ngày trong 10 ngày.

  • Trong tình huống có biến chứng:

+ Các tổn thương viêm da mủ thường do tụ cầu: điều trị bằng oxacillin (Bristopen) và vancomycin.

+ Biến chứng viêm phổi có thể điều trị bằng kháng sinh cephalosporin thế hệ ba (Ceftazidim) và nhóm quinolon (Levoíloxacin) (không sử dụng kháng sinh quinolon cho nữ giới có thai và trẻ nhỏ <12 tuổi).


Bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ

Phương pháp phòng bệnh thủy đậu

Phòng bệnh thủy đậu không đặc hiệu, y sĩ tham khảo các đầu mục sau đây:

  • Phát hiện bệnh thủy đậu sớm để tránh tiếp xúc với người bệnh.

– Tiêm globulin miễn dịch:

+ Mục đích: phòng ngừa thủy đậu ở một số người bị suy giảm miễn dịch khi tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu.

+ Liều lượng: 0,3ml/kg, tiêm bắp một lần.

+ Liều tiêm có thể dao động từ 2-10 ml.

Phương pháp phòng bệnh thủy đậu đặc hiệu

Vắc xin chống thuỷ đậu (vắc xin sống giảm độc lực) có hiệu quả bảo vệ cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu.

  • Tất cả trẻ nhỏ từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.
  • Trẻ nhỏ từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.
  • Trẻ nhỏ trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại xa nhau từ 4-8 tuần.

Biến chứng thần kinh do bệnh thủy đậu là gì?

Bác sĩ tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, y sĩ đa khoa hệ trung cấp cần lưu ý các biến chứng sau:

  • Hội chứng Guillain-Barré.
  • Viêm não – màng não người bệnh đột ngột sốt tăng lên, nhức đầu, li bì, nhiều khi co giật và liệt. Khám có hội chứng màng não. Nước não tủy trong, có tăng bạch cầu lympho, albumin tăng nhẹ.

Phác đồ điều trị bệnh thủy đậu năm 2020

  • Đặc biệt, sau khi người bệnh đã khỏi bệnh, siêu vi thuỷ đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng ngủ đông. Trong các năm sau đó, có thể là 10, 20, hay 30 năm sau, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể yếu hay có yếu tố gì khác, thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra sang thương của bệnh Zona.

Bài viết tham khảo nguồn: Sách “Bệnh học truyền nhiễm ”, Nhà xuất bản Y học , 2002 được tổng hợp chia sẻ tại Y học Lâm sàng – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur 2020

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *