Dấu hiệu phát hiện bệnh thông liên nhĩ
Thông liên nhĩ là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh tim bẩm sinh thường gặp, chiếm khoảng 10% bệnh tim bẩm sinh và 20 – 40% bệnh tim bẩm sinh ở người lớn. Vậy dấu hiệu căn bệnh này như thế nào?
Nguyên nhân nào gây ra bệnh thông liên nhĩ?
Quả tim bình thường của con người có 4 buồng, 2 tâm nhĩ, 2 tâm thất được ngăn cách nhau bởi vách ngăn liên thất và liên nhĩ. Trong thời kỳ bào thai, tâm nhĩ phải và trái thông với nhau do phổi chưa hoạt động. Tuy nhiên sau khi sinh, phổi hoạt động, máu lên phổi về nhĩ trái làm cân bằng áp lực hai bên tâm nhĩ khiến cho lỗ thông đóng lại. Nếu lỗ thông không đóng sẽ dẫn đến thông liên nhĩ. Trên lâm sàng có 4 kiểu thông liên nhĩ do đó cách xử trí cũng khác nhau. Thông liên nhĩ lỗ thứ nhất chiếm khoảng 15 – 20% là loại thông mà lỗ thông thường nằm ở vùng thấp của vách liên nhĩ. Lỗ thông liên nhĩ thứ hai chiếm khoảng 75% trường hợp với lỗ thông nằm ở giữa vách liên nhĩ. Ngoài ra còn có thông liên nhĩ kiểu xoang tĩnh mạch hoặc thể xoang vành. Thông liên nhĩ kiểu thứ hai với đường kính nhỏ hơn 8 mm có thể tự đóng trong 2 – 5 năm đầu đời, những kiểu thông liên nhĩ khác không tự đóng được đòi hỏi phẫu thuật vá lỗ thông.
Theo các chuyên gia chia sẻ trên trang tin tức Y Dược, hiện nay nguyên nhân gây thông liên nhĩ vẫn chưa rõ ràng nhưng có sự ảnh hưởng bởi yếu tố gen và môi trường. Nếu trong những tháng đầu của thai kỳ mà mẹ mắc bệnh rubella thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh nói chung, cũng như thông liên nhĩ nói riêng. Bên cạnh đó những người lạm dụng rượu bia, thuốc lá trong khi mang thai, người bị đái tháo đường thai kỳ, người mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc lupus ban đỏ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh.
Cách phát hiện bệnh thông liên nhĩ
Cách phát hiện thông liên nhĩ
Nếu lỗ thông liên nhĩ nhỏ, lỗ thông tự đóng lại trong những năm đầu đời thì đứa trẻ sẽ không có biểu hiện hay vấn đề gì cho đến cuối đời. Với những lỗ thông lớn, nó có thể gây ảnh hưởng đến tim phổi của người bệnh. Triệu chứng bệnh thường bắt đầu sau 30 tuổi, tuy nhiên khi còn nhỏ có thể thấy trẻ hay bị viêm phổi và nghe được thổi khi thăm khám. Ở người lớn có những triệu chứng như khó thở, đặc biệt khi gắng sức, tim đập nhanh, đột quỵ, có tiếng thổi ở van động mạch phổi do tăng lưu lượng máu từ tâm thất phải lên phổi. Bệnh này có thể có những biến chứng nguy hiểm nếu như không điều trị như tăng áp lực động mạch phổi do tăng dòng máu lên phổi, tăng áp lực liên tục lên các mao mạch phổi. Nếu thông liên nhĩ không điều trị, lâu ngày có thể trở thành suy tim phải với các triệu chứng phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi. Khi dòng máu đảo chiều không còn đi từ trái sang phải mà đi theo hướng ngược lại sẽ gây triệu chứng tím trên lâm sàng gồm tím môi, niêm mạc, ngón tay dùi trống. Khi tăng áp lực phổi cố định sẽ trở thành hội chứng Eissenmenger trên lâm sàng. Để chẩn đoán thông liên nhĩ thì siêu âm là phương pháp xét nghiệm có gía trị chẩn đoán đúng hầu hết các trường hợp. Một số trường hợp có thể dựa vào thông tin thăm dò huyết động hoặc có thể dùng kỹ thuật khác như chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính.
Theo các giảng viên đào tạo Cao đẳng Dược Sài Gòn – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, phần lớn những trường hợp thông liên nhĩ nếu được phát hiện sớm và xử lý sớm thì phần lớn thông liên nhĩ là lành tính và không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nếu phát hiện thông liên nhĩ ở trẻ em thì cần cho trẻ đến khám và theo dõi thường xuyên bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được cân nhắc điều trị.
Nguồn: ysidakhoa.net