Suy tim là tình trạng tim giảm khả năng cung cấp máu cho nhu cầu của cơ thể, lúc đầu do gắng sức sau đó là cả khi nghỉ ngơi.
- Những loại thực phẩm người bị tràn dịch khớp gối tuyệt đối nên kiêng
- Những triệu chứng phổ biến khi mắc bệnh phì đại cuốn mũi
Bệnh suy tim trái là gì?
Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết suy tim là hiện tượng tim giảm khả năng cung cấp máu cho nhu cầu của cơ thể, lúc đầu do gắng sức sau đó cả khi nghỉ ngơi. Suy tim chia làm 3 loại: suy tim phải, suy tim trái và suy tim toàn bộ.
Suy tim trái là loại phổ biến nhất trong các loại suy tim. Tim trái có chức năng mang máu giàu oxy từ phổi vào vòng tuần hoàn đến khắp các tế bào của cơ thể. Tuy nhiên, khi tim trái bị suy yếu, các chức năng của tim trái sẽ bị suy giảm nghiêm trọng gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh.
Phân loại suy tim trái theo tình trạng tiến triển của bệnh bao gồm: suy tim trái cấp và suy tim trái mạn tính.
Suy tim trái cấp là tình trạng các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh suy tim trái khởi phát một cách đột ngột. Các triệu chứng này có thể khởi phát lần đầu hoặc thậm chí là tái phát, gây đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, cần có biện pháp can thiệp cấp cứu khẩn cấp.
Suy tim trái mạn tính là tình trạng bệnh kéo dài và khả năng khỏi bệnh hoàn toàn là rất thấp. Bệnh có thể là hệ quả từ những tổn thương thực thể hoặc những rối loạn chức năng tim dẫn đến tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận và tống máu. Suy tim trái là bệnh lý thường gặp nhất trong các loại suy tim, khi nói đến suy tim trái thường là đang nói đến bệnh suy tim trái mạn tính.
Nguyên nhân gây bệnh suy tim trái là do đâu?
Tăng huyết áp động mạch: là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tim trái. Tăng huyết áp làm tăng sức cản của thành mạch, ngăn cản sự tống máu của thất trái và làm tăng hậu gánh. Khi đó, tim trái phải co bóp mạnh hơn để thắng sức cản này và lâu dần dẫn đến suy tim.
Hở lỗ van hai lá: khi van hai lá bị hở, mỗi lần tim bóp làm cho một lượng máu theo lỗ hở chạy lên nhĩ trái, không đi ra vòng đại tuần hoàn. Khi đó cơ tim buộc phải đáp ứng bằng cách co bóp nhiều và mạnh hơn, lâu ngày sẽ dẫn tới suy tim trái.
Hở van động mạch chủ: trong mỗi thì tâm trương, máu từ động mạch chủ sẽ quay về tâm thất trái, khi van động mạch chủ bị hở sẽ khiến lượng máu về tâm thất trái bị thiếu hụt. Ở thì tâm thu, tim phải hoạt động nhiều hơn, co bóp mạnh để bù vào lượng máu bị thiếu, lâu dần tim trái sẽ bị suy yếu.
Bệnh nhồi máu cơ tim khiến một phần cơ tim không được tưới máu do tắc động mạch vành, phần cơ tim này sẽ bị suy thoái. Bên cạnh đó, cơ tim còn bị tổn thương do một số bệnh khác như: thiếu máu cơ tim, phì đại cơ tim, viêm cơ tim do thấp hoặc nhiễm khuẩn, các bệnh cơ tim,…
Các nguyên nhân khác: tăng áp động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ, tim bẩm sinh, cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, cơn cuồng động nhĩ, rung nhĩ nhanh, hen phế quản, đái tháo đường,…
Triệu chứng thường gặp của bệnh suy tim trái là gì?
Y sĩ đa khoa cho biết khó thở là triệu chứng cơ năng điển hình của bệnh suy tim trái.
Các triệu chứng khác gồm:
- Ho: nhiều hơn vào ban đêm hoặc khi bệnh nhân gắng sức. Thường là ho khan nhưng với trường hợp nặng thì có thể ho ra đờm lẫn máu.
- Do không được cung cấp máu đầy đủ nên bệnh nhân có luôn trong tình trạng suy yếu, chóng mặt, tay chân rã rời
- Cảm giác ngực đau đớn nặng nề hoặc đánh trống ngực
- Hay đi tiểu về đêm và tiểu ít
Triệu chứng thực thể:
Khi khám tim: bác sĩ có thể nhìn, sờ thấy mỏm tim đập lệch sang trái. Tiếng tim nhỏ và mờ, nhịp tim nhanh. Tiếng thổi ở tâm thu nhẹ hơn ở mỏm, ít lan.
Khám phổi: phổ biến với hiện tượng ran ẩm rải rác hai bên đáy phổi. Trong trường hợp người bệnh có cơn hen tim có thể nghe được nhiều ran rít và ran ẩm ở hai phổi, nếu phù phổi có thể nghe thấy nhiều ran ẩm to, nhỏ hạt dâng nhanh từ hai đáy phổi lên khắp hai phế trường.
Đo huyết áp: phần lớn các trường hợp bệnh thì huyết áp động mạch tối đa giảm, huyết áp tối thiểu thì bình thường nên số huyết áp chênh lệch thường nhỏ đi.
Điều trị bệnh suy tim trái?
Chế độ nghỉ ngơi: nghỉ ngơi hợp lý giúp giảm cường độ làm việc của tim. Tùy theo mức độ suy tim mà bác sĩ sẽ hướng dẫn độ tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp. Bệnh nhân suy tim nhẹ nên lựa chọn các bài tập luyện thể lực nhẹ nhàng. Trường hợp suy tim nặng hơn cần vận động nhẹ hơn.
Chế độ ăn giảm muối: muối có khả năng làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, làm tăng khối lượng tuần hoàn, do đó làm tăng gánh nặng cho tim. Tùy thuộc vào mức độ suy tim cụ thể mà bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân áp dụng chế độ ăn giảm muối hay chế độ ăn nhạt hoàn toàn.
Điều chỉnh lượng nước và dịch đưa vào cơ thể phù hợp nhằm giảm bớt khối lượng tuần hoàn và giảm gánh nặng cho tim. Tùy mức độ suy tim mà lượng dịch đưa vào cơ thể là từ 500-1000ml mỗi ngày.
Thở oxy: là hết sức cần thiết trong các trường hợp suy tim nặng, nhằm cung cấp đầy đủ oxy cho các mô, giảm mức độ khó thở, hạn chế sự co mạch phổi.
Loại bỏ các yếu tố nguy cơ khác như: rượu, thuốc lá, cà phê và các chất kích thích, giảm cân ở bệnh nhân béo phì, tránh stress hay căng thẳng kéo dài, nếu đang dùng các thuốc làm giảm sức co bóp của cơ tim thì nên ngừng (ví dụ: các thuốc chẹn bêta giao cảm loại không để điều trị suy tim, Verapamil, Disopyramid,..). Tránh dùng các thuốc giữ nước như corticoid, NSAIDs,…
Điều trị những yếu tố nguy cơ có thể làm tình trạng suy tim nghiêm trọng hơn như thiếu máu, rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng,…
Theo bác sĩ Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cần dùng thuốc tuân theo theo chỉ định của bác sĩ