Phospho là gì có vai trò như thế nào đối với sức khỏe?

Phospho là một loại khoáng chất thiết yếu với cơ thể, được lưu trữ trong cấu trúc xương, răng, ADN và các màng tế bào trong khắp cơ thể

Phospho có nhiều trong các loại thực phẩm hàng ngày

TÌM HIỂU PHOSPHO LÀ GÌ?

Phospho là khoáng chất có hàm lượng cao thứ hai trong cơ thể con người (đứng đầu là canxi). Cơ thể cần phospho để thực hiện nhiều chức năng quan trọng như lọc các chất cặn bã, sửa chữa các mô và tế bào bị tổn thương…

Hầu hết mọi người đều nạp lượng phospho cần thiết cho nhu cầu sử dụng hàng ngày thông qua chế độ ăn. Trên thực tế, phospho là nguyên tố rất ít khi bị thiếu hụt trong cơ thể. Các bệnh nhân mắc các bệnh thận hay ăn quá nhiều phospho và không cung cấp đủ canxi cho cơ thể có thể dẫn tới dư thừa phospho.

Tuy nhiên, một số vấn đề về sức khỏe như mắc bệnh tiểu đường hay nghiện rượu nặng hoặc sử dụng một số thuốc như thuốc kháng acid có thể khiến lượng phospho trong cơ thể bị suy giảm đáng kể.

Nồng độ phospho quá cao hay quá thấp đều có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, đau khớp hay suy nhược cơ thể.

CHỨC NĂNG CỦA PHOSPHO ĐỐI VỚI SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Cũng giống như canxi, cơ thể cần phospho để xây dựng nên hệ xương chắc và khỏe, để tạo ra năng lượng và tăng cường sức mạnh của cơ bắp.

Ngoài ra, phospho còn tham gia vào một số chức năng như:

  • Loại bỏ các chất cặn bã tại thận.
  • Tham gia vào quá trình dự trữ và sử dụng năng lượng của cơ thể.
  • Kích thích sự tăng trưởng, duy trì và sửa chữa các mô và tế bào bị tổn thương.
  • Tham gia tổng hợp DNA và RNA.
  • Cân bằng và sử dụng các loại vitamin như vitamin B và D cũng như các khoáng chất như iod, magie và kẽm.
  • Tham gia vào quá trình co cơ.
  • Điều hòa nhịp tim.
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho sự dẫn truyền các tín hiệu thần kinh.
  • Giảm đau cơ sau luyện tập.

CƠ THỂ CẦN BAO NHIÊU PHOSPHO LÀ ĐỦ?

Lượng phospho khuyến nghị đối với mỗi người phụ thuộc vào lứa tuổi.

Người lớn cần ít phospho hơn trẻ từ 9-18 tuổi nhưng cần nhiều hơn so với trẻ em dưới 8 tuổi.

Viện Linus Pauling đã đưa ra bảng nhu cầu khuyến nghị đối với lượng phospho tiêu thụ hàng ngày như sau:

  • Người lớn (trên 19 tuổi): 700 mg
  • Trẻ em (9-18 tuổi): 1250 mg
  • Trẻ em (4-8 tuổi): 500 mg
  • Trẻ em (1-3 tuổi): 460 mg
  • Trẻ em (7-12 tháng tuổi): 275 mg
  • Trẻ em (0-6 tháng tuổi): 100 mg

Hiện nay tỷ lệ thiếu phospho là rất ít, hầu hết mọi người đều có thể bổ sung đủ lượng phospho cần thiết thông qua chế độ ăn.

Cần bổ sung đủ lượng phospho vào cơ thể cho sức khỏe ổn định

NHỮNG NGUY CƠ NÀO KHIẾN BẠN THỪA PHOSPHO?

Quá nhiều phospho có thể gây ngộ độc, dẫn đến tiêu chảy, xơ cứng các cơ quan và mô mềm. Thừa phospho còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng các khoáng chất khác của cơ thể như sắt, canxi, magie và kẽm. Phospho còn có thể kết hợp với canxi gây tích lũy các khoáng chất trong các bó cơ.

Trường hợp tăng phospho huyết rất hiếm, thường thì chỉ xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh thận hay gặp phải các vấn đề về khả năng điều hòa canxi trong cơ thể.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN BẠN BỊ THIẾU PHOSPHO

Một số loại thuốc có thể làm hạ nồng độ phospho trong cơ thể bao gồm:

  • Insulin
  • Các chất ức chế men chuyển angiotensin
  • Thuốc kháng acid
  • Thuốc chống động kinh

Các triệu chứng của hạ phospho huyết:

  • Đau cơ, xương
  • Mất vị giác
  • Lo lắng, kích thích
  • Mệt mỏi
  • Chậm phát triển xương ở trẻ em

Do vậy, nếu bạn đang sử dụng những loại thuốc này, hãy trao đổi với bác sỹ về việc tăng cường ăn những thực phẩm giàu phospho hay sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung phospho.

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI SỬ DỤNG PHOSPHO

Theo Bác sĩ, Giảng viên Y sĩ đa khoa cho biết: Mức độ phospho máu cao có thể dẫn đến bệnh tim mạch hoặc loãng xương. Đôi khi, sự tăng mức độ phospho máu có thể dẫn đến các tổn thương cơ quan do vôi hóa, lắng đọng canxi phosphat trong các mô.

Mức độ phospho máu ở trẻ em thường cao hơn ở người lớn vì xương của chúng đang phát triển mạnh. Mức độ phospho thấp ở trẻ em có thể hạn chế sự phát triển xương và mức độ cao có thể là dấu hiệu của một tình trạng mất cân bằng về khoáng chất của cơ thể.

Mức độ phospho máu và nước tiểu có thể bị ảnh hưởng khi sử dụng các dung dịch thụt tháo hoặc thuốc nhuận tràng có chứa sodium phosphate, bổ sung quá nhiều vitamin D trong chế độ ăn hoặc do tiêm truyền glucose tĩnh mạch.

Chuyển hóa phospho thường có liên quan với chuyển hóa canxi nên nếu bệnh nhân có một mức độ canxi máu bất thường, cần kiểm tra mức độ phospho máu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *