Sinh lý máu: Bạch Cầu

Trong máu gồm có các thành phần khác nhau,trong đó có bạch cầu chiếm vị trí rất quan trọng. Trang Y sĩ đa khoa sẽ giới thiệu đến bạn đọc thông tin chi tiết về Bạch cầu.

Thông tin chi tiết về Bạch cầu
Thông tin chi tiết về Bạch cầu

Các loại bạch cầu trong máu

Dựa vào các đặc điểm như: hình dáng, cấu trúc và cách bắt màu phẩm nhuộm, người ta chia bạch cầu ra làm hai nhóm chính đó là bạch cầu hạt và bạch cầu không hạt.

Loại bạch cầu hạt

Bạch cầu hạt là những hạt trong bào tương mà có thể thấy dưới kính hiển vi quang học. Tuỳ theo cách bắt màu phẩm nhuộm của các hạt mà chúng có tên là bạch cầu hạt trung tính, ưa acid, ưa kiềm. Ngoài ra, do nhân của bạch cầu hạt này có nhiều thuỳ nên chúng còn có tên là bạch cầu đa nhân.

Bạch cầu không hạt

Trong bào tương không có các hạt mà có thể thấy được dưới kính hiển vi quang học do kích thước chúng nhỏ và bắt màu phẩm nhuộm kém. Có 2 loại bạch cầu không hạt là bạch cầu lympho và bạch cầu mono. Nhân của các bạch cầu không hạt này không chia thuỳ nên chúng còn có tên là bạch cầu đơn nhân.

Sự sinh sản và đời sống bạch cầu

Bạch cầu hạt và bạch cầu mono

Toàn bộ quá trình sinh sản và biệt hoá tạo nên các loại bạch cầu hạt và bạch cầu mono diễn ra trong tuỷ xương. Chúng được dự trữ sẵn ở tuỷ xương, khi nào cơ thể cần đến, chúng sẽ được đưa vào máu lưu thông.

Bạch cầu hạt sau khi rời tuỷ xương thì lưu hành trong máu khoảng 4-8 giờ rồi xuyên mạch vào tổ chức, tồn tại thêm khoảng 4-5 ngày. Khi bạch cầu thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể của minh, chẳng hạn chống nhiễm trùng, thì nó sẽ chết sớm hơn.

Bạch cầu mono cũng có thời gian lưu hành trong máu ngắn, khoảng 10-20 giờ. Sau đó sẽ xuyên mạch vào tổ chức. Tại tổ chức chúng sẽ tăng kích thước và trở thành đại thực bào tổ chức. Ở dạng này chúng có thể sống hàng tháng, thậm chí hàng năm.

Bạch cầu lympho

Các tế bào lympho đều có chung nguồn gốc từ trong bào thai là tế bào gốc tạo máu đa năng. Các tế bào này sẽ biệt hoá thành tế bào gốc biệt hoá của dòng lympho để tạo ra tế bào lympho. Trước khi trở thành các tế bào lympho trưởng thành khu trú ở các tổ chức bạch huyết, chúng được “xử lý” tại những nơi khác nhau trong cơ thể. Một số di trú đến tuyến ức để được “xử lý” ở đó và được gọi là lympho T. Một số khác được “xử lý” ở gan trong những tháng giữa của thai kỳ, ở tuỷ xương trong những tháng sau của thai kỳ và sau khi sinh, chúng được gọi là lympho B.

Từ một số các tổ chức bạch huyết, bạch cầu lympho vào hệ tuần hoàn liên tục theo dòng bạch huyết. Sau vài giờ đồng hôg, chúng xuyên mạch vào tổ chức rồi vào dòng bạch huyết để trở về tổ chức bạch huyết hoặc vào máu lần nữa rồi lần nữa … Một vài bạch cầu lympho có thời gian sống hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm tuỳ thuộc nhu cầu của cơ thể.

Chức năng của bạch cầu trong máu

GV Hoàng Thị HậuTrường Cao đẳng Y dược Pasteur cho biết: Chức năng chung của các loại bạch cầu là chống lại một số tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Nhìn chung, chúng có các đặc tính sau để thích hợp với chức năng này:

Xuyên mạch: tự biến đổi hình dạng để chui qua giữa các tế bào nội mô mạch máu vào tổ chức xung quanh.

Vận động: theo kiểu a-míp (bằng chân giả) để đến các tổ chức cần nó.

Hoá ứng động: bạch cầu bị hấp dẫn đến vị trí tổn thương khi có các hoá chất được giải phóng ra bởi tế bào tổn thương hoặc vi khuẩn, và khi có các phức hợp miễn dịch.

Thực bào: bắt các vật lạ đưa vào trong bào tương rồi tiêu hoá chúng.

Tuy nhiên không phải loại bạch cầu nào cũng có đầy đủ các đặc tính trên.

Chức năng bạch cầu lympho

Có 3 loại tế bào lympho là:

Tế bào diệt tự nhiên (NK: natural killer):

Các tế bào NK hiện diện ở lách, hạch, tuỷ xương đỏ và máu. Chúng thường tấn công các vi sinh vật gây bệnh và một số tế bào khối u tiên phát. Cơ chế tác dụng của chúng chưa được rõ ràng.

Lympho B:

Bạch cầu lympho B chúng có các chức năng bảo vệ cơ thể bằng đáp ứng miễn dịch dịch thể (qua trung gian kháng thể). Nó chống lại các loại vi khuẩn và một số virus.

Khi có các vi khuẩn xuất hiện, lympho B nhận diện kháng nguyên tương ứng và được hoạt hoá. Khi đó nó có khả năng phân bào và biệt hoá thành tương bào. Các tương bào này sẽ sản xuất kháng thể chống lại các loại vi khuẩn đã xâm nhập. Kháng thể tiêu diệt  các vi khuẩn hoặc bất hoạt độc tố của vi khuẩn.

Lympho B
Lympho B

Một số lympho B được sinh ra ở trên không trở thành tương bào mà trở thành lympho B nhớ sẵn sàng đáp ứng nhanh và mạnh khi có cùng loại vi khuẩn xâm nhập lần sau.

Lympho T:

Bạch cầu lympho T là tế bào tham gia đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Lympho T có khả năng chống lại một số các tác nhân như virus, nấm, tế bào mảnh ghép, tế bào ung thư và vài loại vi khuẩn. Khi có các tác nhân đó xuất hiện trong cơ thể, các lympho T sẽ nhận diện kháng nguyên đặc hiệu với nó và được hoạt hoá. Sau đó chúng trở nên lớn hơn, sinh sản tạo nên hàng nghìn lympho T và có thể nhận diện kháng nguyên xâm nhập. Có 3 loại lympho T chính:

T giúp đỡ (Th: helper): kích thích sự phát triển và sinh sản của các lympho T độc, T ức chế. Th còn kích thích sự phát triển và biệt hoá lympho B thành tương bào. Ngoài ra, Th còn tiết các chất làm tăng cường hoạt động bạch cầu trung tính và đại thực bào.

T độc (Tc: cytotoxic): tiêu diệt trực tiếp các tế bào bị nhiễm tương ứng. Tc cũng tiết các chất khuếch đại khả năng thực bào của đại thực bào.

T ức chế (Ts: suppressor): phát triển chậm hơn, nó có tác dụng ức chế lympho Tc và Th làm cho đáp ứng miễn dịch không phát triển quá mức.

Một số lympho T trở thành tế bào T nhớ có khả năng khởi phát một số đáp ứng miễn dịch tương tự khi có cùng loại tác nhân gây bệnh (kháng nguyên) xâm nhập nhưng ở mức độ nhanh, mạnh hơn nhiều, gọi là đáp ứng miễn dịch lần hai.

Số lượng bạch cầu và Công thức bạch cầu

Số lượng bạch cầu là bao nhiêu?

  • Thông thường số lượng bạch cầu trong máu trung bình khoảng 7000/mm3.
  • Tăng trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp, viêm.
  • Giảm trong các trường hợp suy tuỷ.

Công thức bạch cầu là gi?

Công thức bạch cầu là tỷ lệ phần trăm của các loại bạch cầu. Có nhiều loại công thức bạch cầu nhưng trên lâm sàng thường sử dụng công thức bạch cầu thông thường. Người bình thường có thể có công thức bạch cầu như sau:

  • Bạch cầu đa nhân trung tính: 60-70 %.
  • Bạch cầu đa nhân ưa acid: 2 – 4 %.
  • Bạch cầu đa nhân ưa kiềm: 0,5-1 %.
  • Bạch cầu mono: 3-8 %.
  • Bạch cầu lympho: 20-25 %.

Sự thay đổi tỷ lệ các loại bạch cầu giúp các nhà lâm sàng chẩn đoán nguyên nhân.

Bạch cầu trung tính:

Tăng khi nhiễm khuẩn cấp, bỏng, stress, viêm.

Bạch cầu trung tính
Bạch cầu trung tính

Giảm khi nhiễm tia xạ, sử dụng một vài loại thuốc (như thuốc kháng giáp), bệnh Lupus ban đỏ.

Bạch cầu ưa acid:

Tăng khi có phản ứng dị ứng, nhiễm ký sinh trùng, bệnh tự miễn, suy thượng thận.

Giảm khi sử dụng một số thuốc (corticoid), hội chứng Cushing, stress.

Bạch cầu ưa kiềm:

Tăng trong một số trường hợp dị ứng, bệnh bạch cầu, suy giáp.

Giảm  trong trường hợp mang thai, rụng trứng, stress, cường giáp (vì bạch cầu này chiếm tỷ lệ thấp nên rất khó phát hiện giảm).

Bạch cầu lympho:

Tăng trong nhiễm virus, bệnh miễn dịch, bệnh bạch cầu.

Giảm khi bị bệnh nặng kéo dài, tăng nồng độ steroid, bị ức chế miễn dịch.

Bạch cầu mono:

Tăng khi bị nhiễm virus, nấm, lao, một số bệnh bạch cầu và bệnh mạn tính.

Giảm bạch cầu mô-nô rất hiếm xảy ra.

Trên đây là bài viết tổng quan về sinh lý tuần hoàn máu thành phần Bạch cầu. Giúp các bạn sinh viên Y Dược hiểu rõ được nguyên lý, chức năng và nhiệm vụ của Bạch cầu trong máu đối với cơ thể con người. Đồng thời giúp sinh viên Y Dược có thêm nhiều kiến thức Y học lâm sàng trong chương trình học Y sĩ đa khoa, dược sĩ,…

Nguồn: Y sĩ đa khoa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *