Bệnh xơ vữa động mạch não nguy hiểm như thế nào?

Xơ vữa động mạch não khiến thành mạch máu dày lên, lòng mạch hẹp dần gây lên tình trạng huyết khối, phần huyết khối này có thể gây thuyên tắc mạch máu não tạo nên ổ nhồi máu.

Xơ vữa động mạch não là bệnh gì?

Xơ vữa mạch máu là bệnh khiến nội mạc bị tổn thương tạo thành sẹo, khiến thành mạch máu dày lên, xơ cứng, lòng mạch hẹp dần, dẫn đến tiểu cầu bám dính lại với nhau tạo nên huyết khối gây nghẽn mạch. Đồng thời, phần huyết khối này có thể bong ra thành nhiều mảnh đi vào hệ thống tuần hoàn, gây thuyên tắc mạch máu não tạo nên ổ nhồi máu.

Nội mạc bị tổn thương khiến mạch máu bị giòn yếu, dễ gây phình vỡ động mạch dẫn đến xuất huyết não. Khi cơn tai biến mạch máu não xảy ra, lượng máu cung cấp cho não bị dừng đột ngột, gây thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cho các vùng não làm chết tế bào thần kinh.

Khi đó, theo bác sĩ Cao đẳng Y Dược Sài Gòn bệnh nhân có những biểu hiện như: liệt mặt, đau đầu dữ dội, liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ và tâm trí… trong tình trạng này người bệnh không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. Nhiều trường hợp có thể được cứu sống nhưng thường bị tàn phế suốt đời, tuổi thọ giảm và không còn khả năng lao động, khó hòa nhập lại cuộc sống bình thường.

Nguyên nhân gây bệnh xơ vữa động mạch não

Xơ vữa động mạch là bệnh tiến triển âm thầm, có thể bắt đầu sớm nhất từ thời thơ ấu. Mặc dù nguyên nhân chính xác gây xơ vữa động mạch vẫn chưa được xác định, xơ vữa động mạch có thể bắt đầu từ tổn thương hoặc chấn thương ở lớp bên trong của động mạch do các yếu tố:

  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao
  • Triglyceride cao
  • Hút thuốc lá
  • Kháng insulin, béo phì hoặc tiểu đường
  • Các bệnh lý như viêm khớp, lupus hoặc nhiễm trùng, hoặc viêm không rõ nguyên nhân

Khi thành trong của động mạch bị tổn thương, các tế bào máu và các chất khác thường sẽ bị đóng cục tại vị trí chấn thương, lâu ngày sẽ tích tụ trong lớp lót bên trong của động mạch.

Theo thời gian, cholesterol và các sản phẩm tế bào khác càng tích tụ cũng bám tại vị trí chấn thương gây cứng, thu hẹp các động mạch khiến các cơ quan và mô liên kết với các động mạch bị chặn và không nhận đủ máu để hoạt động bình thường. Sau cùng, các mảnh của chất béo vỡ ra thành nhiều mảnh và xâm nhập vào máu. Bên cạnh đó, lớp lót mịn của mảng bám cũng có thể vỡ, làm cholesterol và các chất khác bị tràn vào máu, hình thành cục máu đông, chặn lưu lượng máu đến một bộ phận cụ thể của cơ thể, nếu dòng máu bị chặn là đến não thì sẽ gây ra đột quỵ.

Triệu chứng thường gặp của bệnh xơ vữa động mạch não

Y sĩ đa khoa Sài Gòn cho biết xơ vữa động mạch là bệnh tiến triển âm thầm, trường hợp nhẹ thường không có triệu chứng. Người bệnh chỉ xuất hiện triệu chứng khi động mạch bị hẹp hoặc bị tắc đến mức không thể cung cấp đủ máu cho các cơ quan và mô. Đôi khi một cục máu đông ngăn chặn hoàn toàn lưu lượng máu hoặc thậm chí vỡ ra, gây nên các cơn đau tim hoặc đột quỵ. Các triệu chứng xơ vữa động mạch từ trung bình đến nặng còn tùy thuộc vào vị trí động mạch bị ảnh hưởng. Nếu bị xơ vữa ở động mạch não, người bệnh có thể bị tê hoặc yếu đột ngột ở tay hoặc chân, khó nói hoặc nói chậm, mất thị lực tạm thời ở một mắt hoặc rủ xuống cơ mặt. Những dấu hiệu này cảnh báo một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), nếu không được can thiệp điều trị, bệnh có thể tiến triển thành đột quỵ.

Phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch não?

Chế độ ăn uống là hết sức quan trọng đối trong việc phòng bệnh xơ vữa động mạch ở người cao tuổi. Không nên ăn nhiều mỡ động vật (mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà) mà thay vào đó là dùng dầu thực vật (dầu lạc, dầu vừng). Không nên ăn dầu dừa vì có nhiều axit béo bão hoà, dễ gây nên hiện tượng xơ vữa động mạch. Nên ăn các loại thức ăn có nguồn gốc từ đậu nành như đậu phụ. Mỗi tuần nên có từ 2 – 3 ngày ăn cá vì trong mỡ của cá chứa nhiều chất béo omega-3 rất tốt cho thành động mạch. Không nên ăn các loại nội tạng động vật như lòng lợn, lòng trâu, bò và hạn chế ăn tôm, trứng. Nên tăng cường lượng rau xanh, hoa quả (riêng người bị đái tháo đường hạn chế ăn loại quả ngọt như mít, na, xoài, hồng xiêm…) trong các bữa ăn hàng ngày.

Nên vận động thường xuyên bằng cách tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi thể thao tùy theo sức mình. Nếu vận động đều đặn và phù hợp với từng cá thể thì có thể làm tăng lượng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu và làm giảm huyết áp đối với người đang bị tăng huyết áp mạn tính.

Trường hợp người bệnh không đạt kết quả khi đã áp dụng tất cả các biện pháp nhằm làm giảm cholesterol thì theo dược sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn bệnh nhân phải dùng thuốc. Việc sử dụng loại thuốc gì và liều lượng ra sao, trong thời gian bao lâu thì cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không được tự ý mua thuốc để dùng.

Xây dựng lối sống lành mạnh cũng được đề nghị để điều trị xơ vữa động mạch cũng như giúp ngăn ngừa bệnh: bỏ hút thuốc; ăn các loại thực phẩm lành mạnh; tập thể dục, vận động hợp lý; duy trì cân nặng ổn định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *