Phác đồ cấp cứu ngộ độc rượu (ethanol)

Phác đồ cấp cứu ngộ độc rượu (ethanol)

Ngộ độc rượu thường gặp trên lâm sàng với các triệu chứng xảy ra đột ngột khiến người bệnh bị sốc, trường hợp không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong trong thời gian ngắn.

Ngộ độc rượu là gì?

Khám lâm sàng người bệnh ngộ độc rượu

Trong Y học lâm sàng thì khám lâm sàng rất quan trọng, đặc biệt đối với các trường hợp cấp cứu. Khám lâm sàng người bệnh ngộ độc rượu cần quan tâm đến yếu tố sau:

  • Hơi thở có mùi rượu
  • Thần kinh: biểu hiện rối loạn ý thức với nhiều mức độ khác nhau từ kích thích, rối loạn hành vi, cảm xúc đến chậm chạp, sững sờ, hôn mê.
  • Hô hấp: ức chế hô hấp, giảm thông khí, ứ đọng, nguy cơ bị viêm phổi do hít sặc.
  • Tim mạch: hạ huyết áp, trụy tim mạch.
  • Thận: có thể suy thận cấp do tiêu cơ vân.
  • Hạ đường huyết, hạ thân nhiệt.

  Cận lâm sàng người bệnh ngộ độc rượu

Giảng viên Cao đẳng Xét nghiệm tại Trường Cao đẳng Y dược Pasteur cho biết:

  • Áp lực thẩm thấu máu (ALTT): thường tăng cao
  • Khoảng trống thẩm thấu = ALTT đo được – ALTT ước tính, bình thường nhỏ hơn 20 mosmol/L. ALTT máu cũng tăng trong ngộ độc methanol và ethylen glycol (ALTT ước tính = 2Na + Ure(mmol/l) + Glucose(mmol/l))
  • Định lượng nồng độ ethanol trong máu và hơi thở, có thể phải tìm đồng thời và định lượng nồng độ các rượu khác (methanol, isopropanol và ethylen glycol) trường hợp nghi ngờ.
  • Ước tính nồng độ ethanol trong máu (mg/dl) = 4.6 x khoảng trống ALTT, chỉ áp dụng khi chắc chắn ngộ độc ethanol đơn thuần và chỉ có giá trị tham khảo.
  • Các xét nghiệm khác cần làm:
  • Xét nghiệm máu: glucose, ure, creatinin, AST, ALT, điện giải, CK, amylase, khí máu động mạch, CT scan não khi không thể loại trừ bệnh cảnh đột quỵ kèm theo.


Phác đồ cấp cứu ngộ độc rượu (ethanol)

Bảng 1. Liên quan nồng độ rượu và triệu chứng lâm sàng

Nồng độ ethanol huyết thanh (mg/dl)Triệu chứng lâm sàng
20 – 50Rối loạn ức chế, kích thích nghịch thường, cảm xúc không ổn định, thích giao du, nói nhiều, hưng cảm.
50 – 100Chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, mất điều hòa vận động biên độ nhỏ, loạn vận ngôn.
100 – 200Nhìn đôi, bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, giãn mạch, sững sờ
200 – 400Ức chế hô hấp, mất các phản xạ bảo vệ đường thở, giảm thân nhiệt, tiêu tiểu không tự chủ, tụt huyết áp, hôn mê.
> 400Trụy tim mạch, tử vong.

  Chẩn Đoán phân biệt ngộ độc rượu

  • Rối loạn ý thức do các nguyên nhân khác: tai biến mạch máu não, hôn mê gan,…
  • Ngộ độc các thuốc an thần, gây ngủ.
  • Ngộ độc các alcohol khác như methanol, ethylen glycol: ban đầu dấu hiệu giống ngộ độc ethanol sau đó nhiễm toan chuyển hóa tăng dần (toan không phải do ceton và lactic), tổn thương thần kinh, thận, tim mạch, mù (methanol).

+ Xét nghiệm định lượng các chất này trong máu.

+ Xét nghiệm khí máu: nhiễm toan nặng càng nghĩ đến ngộ độc methanol và glycol.

+ Soi trực tiếp nước tiểu tìm tinh thể calci oxalate dehydrat và calci oxalate monohydrat (ngộ độc ethylen glycol).

– Ngộ độc isopropanol (cồn lau chùi): dấu hiệu giống ngộ độc ethanol nhưng thường có nôn nhiều, có máu kèm chất nôn, xét nghiệm có aceton trong máu tăng.

  Chẩn đoán biến chứng

Y sĩ đa khoa khoa cần chẩn đoán biến chứng của ngộ độc rượu như sau:

  • Hôn mê toan chuyển hóa: toan ceton, toan lactic.
  • Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
  • Tai biến mạch máu não.
  • Chấn thương kèm theo, cần đặc biệt chú ý chấn thương sọ não và chấn thương cột sống cổ.
  • Rối loạn nước điện giải.
  • Tiêu cơ vân.
  • Suy hô hấp do viêm phổi hít

Nguyên tắc xử trí ngộ độc rượu trên lâm sàng

  Nguyên Tắc:

  • Đảm bảo A (đường thở), B (hô hấp) và C (tuần hoàn).
  • Than hoạt và rửa dạ dầy thường không có lợi ích vì ethanol hấp thu rất nhanh.
  • Chống hạ đường huyết và hội chứng Wernicke.
  • Điều trị các biến chứng và tình trạng chấn thương kết hợp.
  • Điều trị hỗ trợ, chú ý ngộ độc rượu khác phối hợp.


Phác đồ cấp cứu ngộ độc rượu (ethanol) là gì?

  Điều Trị Cụ Thể:

  • Kiểm soát đường thở: nằm nghiêng an toàn, chống tụt lưỡi, làm sạch đờm dãi.
  • Đảm bảo hô hấp: oxy liệu pháp, đặt nội khí quản tùy tình trạng hô hấp.

Đảm bảo tuần hoàn: trường hợp có tụt huyết áp tiến hành đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, bù dịch, sử dụng thuốc vận mạch trường hợp cần.

  • Xét nghiệm nhanh đường máu tại giường, trường hợp có hạ đường huyết thì sử dụng glucose ưu trương.
  • Trường hợp BN hôn mê phải tiêm ít nhất 100mg thiamin tĩnh mạch với glucose ưu trương để phòng và điều trị bệnh não Wernicke
  • Giữ ấm cho người bệnh.
  • Trường hợp kích động, bạo lực và không hợp tác thì có thể sử dụng benzodiazepin để ngăn chặn các người bệnh làm tổn hại đến bản thân và người khác, tuy nhiên cần thận trọng vì có thể làm trầm trọng thêm suy hô hấp do rượu.
  • Điều trị các biến chứng: tiêu cơ vân, suy thận, nhiễm trùng, rối loạn nước điện giải.
  • Trường hợp BN uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu do người dân tự nấu, rượu lậu, rượu giả và không rõ loại rượu: cần theo dõi sát lâm sàng kết hợp khoảng trống thẩm thấu (nồng độ rượu trường hợp có thể) và khí máu động mạch.

+ Trường hợp lâm sàng cải thiện, khoảng trống thẩm thấu và khí máu bình thường thì nhiều khả năng người bệnh hồi phục.

+ Trường hợp lâm sàng chưa có gì đặc biệt, ngoài các dấu hiệu của ngộ độc ethanol, khoảng trống thẩm thấu tăng nhưng khí máu còn bình thường: cần theo dõi tiếp.

+ Trường hợp lâm sàng có dấu hiệu nhiễm toan chuyển hóa nặng (trong khi lactat và ceton chỉ tăng nhẹ và không tăng), bất thường về thị lực (nhìn mờ) và tổn thương các cơ quan (đặc biệt thần kinh, thận, tim mạch) thì y sĩ cần nghĩ tới ngộ độc các rượu khác, đặc biệt methanol và glycol. Lọc máu rất hữu ích trong trường hợp này.

– Điều trị các tình trạng chấn thương kết hợp.

Nguồn tài liệu y khoa tham khảo/trích dẫn: Bệnh viện Bạch Mai. Ngộ độc cấp ethanol. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa. NXBYH 2012.

Theo ysidakhoa tổng hợp 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *