Phác đồ điều trị Covid 19 cập nhật: Điều trị suy hô hấp ở bệnh nhân mắc Covid 19

Điều trị suy hô hấp ở bệnh nhân mắc Covid 19

Ngày 29/7/2020, Bộ Y tế ra quyết định Số: 3351/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) trên tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng.


Phác đồ điều trị Covid 19 cập nhật 2020

 

Phác đồ điều trị vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) mới nhất được cập nhật cuối tháng 7 dựa trên chủng virus đột biến bao gồm: Xử trí suy hô hấp, sốc nhiễm trùng và một số điều trị hỗ trợ, trong phần này các y bác sĩ tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ đến bạn đọc về phác đồ điều trị Covid-19 trong mục điều trị suy hô hấp ở bệnh nhân Covid-19 như sau:

Liệu pháp ô xy và theo dõi

  • Cần cho thở ô xy ngay với bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp nặng có suy hô hấp, thiếu ô xy máu, sốc để đạt đích SpO2 > 94%.
  • Ở người lớn nếu có các dấu hiệu cấp cứu (gắng sức nặng, rút lõm lồng ngực, tím tái, giảm thông khí phổi) cần làm thông thoáng đường thở và cho thở ô xy ngay để đạt đích SpO2 ≥ 94 % trong quá trình hồi sức. Cho thở ô xy qua gọng mũi (1-4 lít/phút), hoặc mask thông thường, hoặc mask có túi dự trữ, với lưu lượng ban đầu là 5 lít/phút và tăng lên tới 10-15 lít/phút nếu cần. Khi bệnh nhân ổn định hơn, điều chỉnh để đạt đích SpO2 ≥ 90 % cho người lớn, và SpO2 ≥ 92-95% cho phụ nữ mang thai.
  • Với trẻ em, nếu trẻ có các dấu hiệu cấp cứu như khó thở nặng, tím tái, sốc, hôn mê, co giật.., cần cung câp ô xy trong quá trình cấp cứu để đạt đích SpO2 ≥ 94%. Khi tình trạng trẻ ổn định, điều chỉnh để đạt đích SpO2 ≥ 90 %.
  • Theo dõi sát tình trạng người bệnh để phát hiện các dấu hiệu nặng, thất bại với liệu pháp thở ô xy để có can thiệp kịp thời.

Điều trị suy hô hấp nguy kịch & ARDS

  • Khi tình trạng giảm ô xy máu không được cải thiện bằng các biện pháp thở ô xy, SpO2 ≤ 92%, hoăc/và gắng sức hô hấp: có thể cân nhắc chỉ định thở thở ô xy dòng cao qua gọng mũi (High Flow Nasal Oxygen), CPAP, hoặc thở máy không xâm nhập BiPAP.
  • Không áp dụng biện pháp thở máy không xâm nhập ở người bệnh có rối loạn huyết động, suy chức năng đa cơ quan, và rối loạn ý thức.
  • Cần theo dõi chặt chẽ người bệnh để phát hiện các dấu hiệu thất bại để có can thiệp kịp thời. Nếu tình trạng thiếu ô xy không cải thiện với các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập, cần đặt ống nội khí quản và thở máy xâm nhập.
  • Cần đặt ống nội khí quản bởi người có kinh nghiệm, áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm qua không khí khi đặt ống nội khí quản.
  • Hỗ trợ hô hấp: áp dụng phác đồ hỗ trợ hô hấp trong ARDS cho người lớn và trẻ em. Chú ý các điểm sau:

Hệ thông lọc máu ECMO điều trị bệnh nhân mắc covid-19

+ Thở máy: áp dụng chiến lược thở máy bảo vệ phổi, với thể tích khí lưu thông thấp (4-8 ml/kg trọng lượng lý tưởng) và áp lực thì thở vào thấp (giữ áp lực cao nguyên hay Pplateau < 30 cmH2O, ở trẻ em, giữ Pplateau < 28 cmH2O). Thể tích khí lưu thông ban đầu 6 ml/kg, điều chỉnh theo sự đáp ứng của người bệnh và theo mục tiêu điều trị. + Chấp nhận tăng CO2, giữ đích pH ≥ 7.20.

+ Trường hợp ARDS nặng ở người lớn, cân nhắc áp dụng thở máy ở tư thế nằm sấp 12-16 giờ/ngày (nếu có thể).

+ Có thể áp dụng chiến lược PEEP cao cho ARDS vừa và nặng. Tùy theo độ giãn nở (compliance) của phổi để cài đặt PEEP phù hợp.

+ Tránh ngắt kết nối người bệnh khỏi máy thở dẫn tới mất PEEP và xẹp phổi. Nên sử dụng hệ thống hút nội khí quản kín.

+ Ở trẻ em và trẻ sơ sinh, có thể thở máy cao tần (HFOV-High Frequency Oscillatory Ventilation) sớm (nếu có), hoặc khi thất bại với thở máy thông thường. Không sử dụng HFOV cho người lớn.

+ Cần đảm bảo an thần, giảm đau thích hợp khi thở máy. Trong trường hợp ARDS vừa- nặng, có thể dùng thuốc giãn cơ, nhưng không nên dùng thường quy.

  • Kiểm soát cân bằng dịch chặt chẽ, tránh quá tải dịch, đặc biệt ngoài giai đoạn bù dịch hồi sức tuần hoàn.
  • Trường hợp thiếu ô xy nặng, dai dẳng, thất bại với các biện pháp điều trị thông thường, cân nhắc chỉ định và sử dụng các kỹ thuật trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho từng trường hợp cụ thể và thực hiện ở những nơi có đủ điều kiện triển khai kỹ thuật này.
  • Do ECMO chỉ có thể thực hiện được ở một số cơ sở y tế lớn, nên trong trường hợp cân nhắc chỉ định ECMO, các cơ sở cần liên hệ, vận chuyển người bệnh sớm và tuân thủ quy trình vận chuyển người bệnh do Bộ Y tế quy định.

Thông tin trên đây hoàn toàn chính xác và được trích dẫn từ Bộ Y tế theo QĐ 3351/QĐ-BYT. Phác đồ điều trị là phác đồ chuẩn vì vậy không được sửa đổi, thay thế bất cứ một mục tiêu nào khi chưa có sự cho phép của cơ quan chuyên môn cũng như hội đồng Y học lâm sàng bệnh nhiệt đới!
Người dùng KHÔNG tự ý áp dụng phác đồ, phác đồ điều trị chỉ dành cho cán bộ y tế có chuyên môn phục vụ công tác nghiên cứu và thực tiễn lâm sàng chuyên môn bệnh nhiệt đới!

Nguồn: Bộ Y tế (ban hành ngày 29/7/2020) được Y sĩ đa khoa 2020 – Trường trung cấp Y khoa Pasteur chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *